PEDRIC - Giải pháp bền vững cho vấn đề rác thải nhựa

Nhóm: PEDRA SOLUTION

LĨNH VỰC MôI TRườNG
Lượt bình chọn:

Mô tả sản phẩm

Giới thiệu sản phẩm:

Ô nhiễm rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Mỗi năm, lượng rác thải nhựa do con người tạo ra trên toàn cầu đủ để bao phủ 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương. Các nghiên cứu gần đây cho thấy tổng lượng nhựa nguyên sinh được sản xuất từ ​​năm nhựa được sản xuất hàng loạt (1950) đến năm 2015 là 8.300 triệu tấn.

Lượng rác thải nhựa và túi nylon tại Việt Nam chiếm khoảng 8-12% lượng rác thải rắn sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 11-12% rác thải nhựa, túi nylon được xử lý và tái chế, còn lại chủ yếu được chôn lấp, đốt và thải ra môi trường.Bên cạnh đó, khoảng 5% rác thải y tế là rác thải nhựa. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ô nhiễm nhựa ở Việt Nam. Mỗi ngày có khoảng 22 tấn rác thải nhựa được thải ra từ hoạt động y tế, trong đó có một số trộn lẫn với chất thải nguy hại (thuốc, hóa chất,...)

Sở dĩ nhựa rất khó phân hủy trong tự nhiên vì trọng lượng phân tử và tính kỵ nước lớn, chống lại quá trình phân hủy hóa học và sinh học. Nhựa bản thân chúng không có các nhóm chức dễ bị tấn công bởi các tác nhân như ánh sáng, nước, enzyme, v.v. (Pathak, V.M.,và Navneet, 2017). Độ cứng và tính kị nước của nhựa vô tình là vật liệu lý tưởng trong đóng gói thực phẩm, sử dụng y tế vô trùng, xây dựng và nhiều ứng dụng khác, nhưng cũng vì vậy chúng có thể tồn tại rất lâu trong môi trường tự nhiên, gây ảnh hưởng đến chất lượng môi trường cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái . Các chất chống oxy hóa và phụ gia khác được sử dụng để gia tăng độ bền của nhựa, từ đó kéo dài quá trình phân hủy của chất thải nhựa.

Đốt và chôn lấp là hai phương pháp phổ biến nhất để xử lý chất thải nhựa, nhưng chỉ có 9% chất thải nhựa được tái chế trên toàn cầu. Đốt rác thải nhựa ở nhiệt độ cao là một phương pháp phổ biến ở các nước phát triển để giảm sự tích tụ nhựa trong môi trường. Tuy nhiên, quá trình đốt rác tiêu tốn nhiều năng lượng và các hạt vi nhựa sẽ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Trong khi với phương pháp chôn lấp, quá trình phân hủy thường diễn ra lâu. Do đó, chất thải nhựa tích tụ lâu trong môi trường sẽ gây ra nguy cơ độc tính sinh thái, hạt nhựa sẽ phân bố vào môi trường đất, nước mặt và nước ngầm, đi vào chuỗi thức ăn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và động vật (Avio và cộng sự, 2017; Wang và cộng sự, 2017). Ước tính rằng hàng năm có khoảng 4–12 triệu tấn chất thải nhựa tích tụ trong môi trường tự nhiên trên cạn và dưới nước (Geyer et al ., 2017a; Jambeck và cộng sự, 2015; Wen và cộng sự, 2021).

Ngoài các phương pháp vật lý và hóa học, phương pháp phân hủy sinh học (sử dụng vi sinh vật) đang là một xu thế của thời đại và có rất nhiều tiềm năng phát triển. Có rất nhiều vi sinh vật có khả năng phân hủy sinh học các polyme tự nhiên và tổng hợp các hợp chất có trọng lượng phân tử cao (Sankhla và cộng sự, 2020). Ưu thế vượt trội của phương pháp sinh học không chỉ đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người mà còn có tính bền vững, thân thiện môi trường và tính tái sử dụng cao. Ngoài ra xử lý rác thải bằng vi sinh vật giúp tiết kiệm đáng kể chi phí cũng như diện tích đất do đốt và chôn lấp rác.

Nhận thức được tầm quan trọng của một giải pháp tiềm năng, PEDRIC là một cơ hội cho hướng đi mới trong lĩnh vực xử lý rác thải nhựa tại thị trường Việt Nam.

Tính năng cơ bản:

Các chủng vi khuẩn được phân lập trực tiếp từ nhiều địa điểm tập kết rác thải dân sinh tại địa bàn Hà Nội, được tuyển chọn kĩ lưỡng qua nhiều bước sàng lọc, đảm bảo nguồn chủng, tính sẵn có và phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường tại Việt Nam.
Điều này đảm bảo các đặc điểm nổi bật so với các phương pháp truyền thống khác.

Đối với sản phẩm nội địa, hiện chưa có sản phẩm nào được sử dụng để xử lý vi sinh vô cơ - rác thải nhựa mà chỉ dừng lại ở phân hủy hữu cơ các chất thải sinh hoạt.

So sánh về quy mô công nghệ, PEDRIC có những ưu điểm vượt trội về chi phí, tính hiệu quả, cách thức vận hành so với các giải pháp khác như sử dụng enzyme phân hủy nhựa (yêu cầu đầu tư trang thiết bị hiện đại, đắt đỏ để sản xuất và duy trì tính hoạt lực mạnh của enzyme, đồng thời vẫn bao gồm các quy trình trữ giống, nuôi cấy và thu hồi, làm sạch enzyme chiết xuất từ vi sinh vật) đã góp phần đánh giá mối tương quan đặc thù của thị trường Việt Nam đối với nước ngoài.

Vậy nên, sử dụng vi sinh vật giảm thiểu chi phí, tăng cường độ phủ và ứng dụng thực tiễn của giải pháp, một mặt tạo tiền đề cho giai đoạn đầu thử nghiệm và tối ưu hóa quy trình trước khi áp dụng các cải tiến phục vụ hiệu suất cao nhất.

Với cơ chế cốt lõi là “Bioaugmentation” - làm giàu sinh học, PEDRIC khai thác triệt để khả năng thích nghi tuyệt vời của vi sinh vật đối với môi trường sống khắc nghiệt. Từ đó ép vi sinh vật phải sử dụng nguồn carbon duy nhất là nhựa LDPE để sinh tồn - qua đó cải thiện khả năng tiết ra những enzyme đặc biệt, phá vỡ các liên kết hóa học trong cấu trúc phân tử bền vững của nhựa LDPE thành các hợp chất đơn giản hơn, có thể tái chế được hoặc phân hủy hoàn toàn thành các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường bởi các vi sinh vật khác. Điều này mở ra triển vọng cho việc giảm thiểu lượng chất thải nhựa và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường.

Phân hủy nhựa bền vững và hiệu quả:
Tổ hợp vi khuẩn đảm bảo tính đa dạng và vai trò của từng chủng vi khuẩn.
Mỗi chủng có vai trò cụ thể trong các quá trình phá vỡ các liên kết, phụ phẩm khác nhau từ nhựa LDPE, nhằm biến đổi tới sản phẩm cuối là thức ăn cho các vi sinh vật bản địa tự do trong môi trường xử lý.

An toàn Sinh học:
Đảm bảo tính an toàn sinh học mức độ 1, không gây hại hoặc lây nhiễm cho con người và động vật. Vi khuẩn được sàng lọc, lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo tính an toàn và có thể được tinh chỉnh nhằm đáp ứng hiệu quả trong quá trình xử lý.

Tiết kiệm Chi phí:
Giảm thiểu tính cấp thiết cho chi phí đầu tư, xây dựng, vận hành các tổ hợp xử lý rác thải, đồng thời giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm tại nguồn cho các địa điểm xử lý đốt rác và chôn lấp truyền thống.

Tính Thích ứng đa dạng:
Khả năng thích nghi với mọi điều kiện khắc nghiệt đem lại tiềm năng gần như vô hạn cho việc mở rộng khả năng phân hủy các loại rác thải nhựa khác nhau, không chỉ giới hạn ở nhựa LDPE.

Tính sáng tạo và đổi mới:

Bằng giải pháp làm giàu sinh học, trong đó các vi sinh vật cụ thể được giới thiệu vào môi trường để tăng cường quá trình phân hủy sinh học. Việc sử dụng cộng đồng vi sinh vật phân hủy rác thải nhựa được phân lập và tuyển chọn từ nhiều nguồn khác nhau thể hiện tiềm năng của việc sử dụng vi sinh vật trong xử lý rác thải ở nhiều môi trường và điều kiện khác nhau.
Hơn nữa, việc điều chỉnh các giải pháp đổi mới này cho phù hợp với điều kiện và thách thức cụ thể tại Việt Nam yêu cầu hiểu biết sâu rộng về hệ sinh thái địa phương, các phương pháp quản lý rác thải và khung pháp lý.

Tính ứng dụng:

Việc ứng dụng vi khuẩn phân hủy nhựa mang lại nhiều lợi ích đáng kể.

Thứ nhất, đây là một giải pháp thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu lượng nhựa tồn đọng trong tự nhiên và các khu vực đô thị. Ngoài ra, sản phẩm hướng đến quy mô xử lý vừa và lớn, phù hợp với thói quen tập kết rác của người dân ở các khu dân sinh hay đô thị. Từ đó cho thấy triển vọng bắt tay với các ban ngành quản lý môi trường và mỹ quan đô thị để phân bố ứng dụng hiệu quả, giải quyết được vấn đề môi trường và cảnh quan, bảo vệ sức khoẻ của dân cư trong khu vực.

Thứ hai, việc sử dụng vi khuẩn phân hủy nhựa có thể giúp xử lý các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng và không thể tái chế, đa phần nhắm vào đối tượng rác thải sinh hoạt không được phân loại do người dân nước ta phần lớn chưa hình thành thói quen phân loại rác thải hàng ngày. Việc giải quyết triệt để rác thải nhựa tồn đọng không thể tái chế cũng góp phần chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn, tạo ra một điểm kết thúc cho vòng đời sản phẩm bao bì nhựa, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững về cả mặt sản xuất lẫn xử lý.

Thứ ba, giải pháp này có tiềm năng được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở xử lý chất thải, bãi rác, xử lý ô nhiễm tại nguồn cho nhà máy sản xuất nhựa và các khu công nghiệp. Giải pháp này giúp giảm thiểu gánh nặng cho các cơ sở hiện tại đang có dấu hiệu quá tải, đưa ra một phương pháp mới triệt để mà không tạo thêm sự ô nhiễm không khí hay nguồn nước như đốt hoặc chôn lấp.

Tiềm năng phát triển:

Thực hiện hóa các giải pháp xử lý rác thải nhựa phục vụ giải quyết vấn đề hoàn thiện nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường, một mặt đầu tư vào tương lại và tác động gián tiếp tới sự phát triển bền vững của đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Mở rộng quy mô xử lý, đem lại tiềm năng phát triển mô hình kinh doanh khả thi. Hướng đến sứ mệnh chung của cộng đồng, tập trung vào 3 mục tiêu khách hàng khác nhau:

Chính phủ:
Gián tiếp xúc tiến cải thiện hiện trạng đa ngành, đa mục tiêu: Y Tế, Môi Trường, An Ninh, Tài Chính,...
Đầu tư hiệu quả tiền thuế của công dân cho các giải pháp xử lý rác thải nhựa, đẩy mạnh hiệu suất xử lý dịch vụ môi trường đô thị nói chung.
Hướng tới mục tiêu phát thải ròng COP 28 và tăng cường công tác sử dụng tài nguyên hiệu quả, tránh thất thoát.
Tạo tiền đề phát triển các chính sách và hỗ trợ tài chính khuyến khích thúc đẩy đồng bộ các giải pháp xử lý rác thải nhựa.

Doanh nghiệp:
Đảm bảo công tác trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và nâng cao uy tín, cải thiện hình ảnh thương hiệu
Đóng góp cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế thị trường phục vụ đa mục tiêu: toàn diện, bền vững, tuần hoàn
Giảm thiểu khả năng ô nhiễm tại nguồn cho các doanh nghiệp sản xuất gắn liền với việc sử dụng bao bì nhựa nhờ khả năng xử lý vi nhựa tiềm tàng trong quá trình sản xuất.

Người tiêu dùng - Công dân:
Trao quyền đóng góp trong công cuộc phát triển bền vững, phù hợp xu thế thế giới.
Thúc đẩy giáo dục con người, thay đổi thói quen sinh hoạt, tăng cường nhận thức cá nhân, cộng đồng phục vụ định hướng phân loại rác thải nhựa qua câu chuyện truyền cảm hứng và tiềm năng phát triển giải pháp xử lý chất thải nhựa.

Lượt bình chọn: